ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG SAI KHỚP CẮN HẠNG III XƯƠNG Ở BỆNH NHÂN ĐANG TĂNG TRƯỞNG ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ BẰNG FACEMASK
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Sai khớp cắn hạng III được xem là một trong những vấn đề chỉnh hình răng hàm mặt phức tạp nhất. Tuy nhiên, những nghiên cứu về đặc điểm sai khớp cắn hạng III xương ở trẻ em Việt Nam vẫn còn hạn chế. Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả đặc điểm lâm sàng sai khớp cắn hạng III xương do hàm trên kém phát triển ở những bệnh nhân đang tăng trưởng được điều trị bằng khí cụ facemask. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang ở 31 bệnh nhân 7-12 tuổi, được chẩn đoán sai khớp cắn hạng III xương do hàm trên kém phát triển và được điều trị bằng khí cụ facemask. Các đặc điểm lâm sàng được thu thập và phân tích. Toàn bộ dữ liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0. Kết quả: Đa số bệnh nhân có kiểu mặt trung bình hoặc ngắn (80,6%) với góc mặt phẳng hàm dưới phẳng hoặc trung bình (77,4%). Bệnh nhân có khớp cắn hạng III theo Angle chiếm tỉ lệ cao (77,4%). Toàn bộ bệnh nhân có cắn ngược vùng răng trước với độ cắn chìa có giá trị trung vị là -2 mm, đặc biệt ghi nhận 2 bệnh nhân (chiếm 6,5%) có độ cắn phủ âm là những bệnh nhân cắn hở. Kết luận: Các bệnh nhân sai khớp cắn hạng III xương điều trị với khí cụ facemask có kiểu mặt trung bình hoặc ngắn với góc mặt phẳng hàm dưới phẳng hoặc trung bình và toàn bộ có độ cắn chìa âm.
Chi tiết bài viết
Từ khóa
Sai khớp cắn hạng III, hàm trên kém phát triển, khí cụ facemask