GIÁ TRỊ CỦA PHƯƠNG PHÁP TÍNH TAM SUẤT TRONG XÁC ĐỊNH CHIỀU DÀI LÀM VIỆC TRÊN PHIM X QUANG CHỤP THEO KỸ THUẬT ĐƯỜNG PHÂN GIÁC KHI TRÂM Ở NHỮNG VỊ TRÍ KHÁC NHAU TRONG ỐNG TỦY

Hồ Nguyễn Cảnh Vy1,, Nguyễn Kim Xuyến1, Lê Mai Minh Quân1, Đỗ Diệp Gia Huấn 1
1 Trường Đại học Y Dược Cần Thơ

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Năm 1970, Grossman đưa ra một quy tắc tam suất dựa trên phim X quang quanh chóp chụp theo kỹ thuật đường phân giác để tính chiều dài làm việc trong nội nha và đã được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay. Mục tiêu nghiên cứu: Xác đinh giá trị của phương pháp tam suất trong xác định chiều dài làm việc trên phim x quang chụp theo kỹ thuật đường phân giác thông qua so sánh chiều dài răng tính theo công thức của Grossman ở những vị trí trâm khác nhau và góc độ chụp khác nhau với chiều dài răng đo được ở thực tế. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: chọn 20 răng cối nhỏ một chân đã nhổ ở người, tiến hành đo chiều dài răng thực tế và chụp phim X quang quanh chóp với kỹ thuật chụp đường phân giác khi đầu trâm tới vị trí 1/3 cuối và 1/3 giữa chân răng với các vị trí đầu cone theo góc độ đứng đúng, dư (+10o) và thiếu (-20o). Sự khác biệt giữa chiều dài răng được tính theo công thức Grossman và chiều dài răng thực tế được ghi nhận. Phép kiểm Wilcoxon được dùng để kiểm định ý nghĩa sự khác biệt này khi đầu trâm ở các vị trí trâm và các góc độ chụp khác nhau. Kết quả: Trung bình mức chênh lệch giữa chiều dài răng tính theo công thức và chiều dài răng thực tế đo được ở trường hợp đầu cone đúng góc độ đứng và đầu trâm ở 1/3 chóp là thấp nhất (0,531 ± 0,272 mm); cao nhất ở trường hợp đầu trâm nằm 1/3 giữa chân răng và chụp phim dư góc độ (2,002 ± 1,181 mm). Khi chụp phim đúng góc độ đứng không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở các vị trí đầu trâm (p=0,179) nhưng có ý nghĩa thống kê khi phim được chụp dư và thiếu góc độ đứng (p=0,05; p=0,033). Kết luận: Phương pháp tính tam suất trong xác định chiều dài làm việc trong nội nha qua phim x quang chụp bằng kỹ thuật đường phân giác có độ chính xác cao nhất khi phim được chụp đúng góc độ và đầu trâm càng gần chóp thì độ dài tính được càng gần độ dài thật của răng. 

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Bùi Quế Dương (2009), Nội nha lâm sàng, Nhà xuất bản Y học, Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Nguyễn Thị Hiền Ngân, Phạm Văn Khoa, (2016), Chuyên đề Răng Hàm Mặt, Y Học thành phố Hồ Chí Minh, 20(2), năm 2016
3. Trần Ngọc Thành (2018), Nha khoa cơ sở (tập 3), Chẩn đoán hình ảnh, Đại học Y Hà Nội, tr 72- 74.
4. Trịnh Thái Hà (2014), Chữa Răng và nội nha tập 2, Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt - Trường Đại học Y Hà Nội, tr 15-25.
5. Bhatt A. et al (2015), Working length determination, The soul of canal thepary Int J Dent Health Sci, 2(1), pp 105-115.
6. “Glossary of endodontic terms”, 7th, American Association of Endodontists, 2003.
7. Quazi H.S., Maxood A., Abdullah S. (2007), Comparison of radiographic and electronic working length in anterior teeth, Pakistan Oral and Dental Journal, 27(1), pp 31-34.
8. Tatjana Brkanic et al (2011), Digital radiography in root canal working length determination, Healthmed, 5(6), pp 1749-1753.