NGHIÊN CỨU TÌNH HÌNH SƠ SINH NHẸ CÂN VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN TẠI TỈNH VĨNH LONG NĂM 2021

Lê Thị Ái Xuân1,, Phạm Thị Tâm2, Huỳnh Thị Cẩm Hồng1
1 Trung tâm Y tế huyện Trà Ôn
2 Trường Đại học Y Dược Cần Thơ

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Trẻ sơ sinh nhẹ cân (dưới 2.500 gram) là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến trên 80% ca tử vong trẻ sơ sinh, là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng. Tỷ lệ sơ sinh nhẹ cân không chỉ tác động trực tiếp đến tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tử vong chu sinh, tử vong trẻ em mà còn tác động đến tuổi thọ trung bình của người dân trong cộng đồng. Mục tiêu nghiên cứu: Xác định tỷ lệ sơ sinh nhẹ cân tại tỉnh Vĩnh Long năm 2021 và một số yếu tố liên quan đến sơ sinh nhẹ cân tại tỉnh Vĩnh Long năm 2021. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Tất cả trẻ sinh từ 01/01/2021 đến 31/12/2021 và các bà mẹ có con sinh từ 01/01/2021 đến 31/12/2021 hiện đang cư trú trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích. Kết quả: Tỷ lệ sơ sinh nhẹ cân là 5,4%, một số yếu tố liên quan như: cân nặng của bà mẹ trước khi mang thai (sơ sinh nhẹ cân ở các bà mẹ có cân nặng <40kg là 33,3% và ở các bà mẹ có cân nặng ≥40kg là 5,2%, p<0,05); tăng cân trong thai kỳ (sơ sinh nhẹ cân ở thai phụ tăng cân <8kg là 16,9% và ở thai phụ tăng cân ≥8kg là 3,9%, p<0,05); tuổi thai (sơ sinh nhẹ cân thiếu tháng là 63,3% và đủ tháng là 3,4%, p<0,05); bổ sung viên sắt trong thai kỳ (sơ sinh nhẹ cân/bổ sung viên sắt đầy đủ là 5,2 % và bổ sung viên sắt không đầy đủ, không uống là 13,2%, p<0,05); điều kiện kinh tế của bà mẹ (sơ sinh nhẹ cân ở các bà mẹ có kinh tế thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo là 14,3%, các bà mẹ có kinh tế thuộc diện khá giả là 4,8%, p<0,05). Kết luận: Tỷ lệ sơ sinh nhẹ cân tại tỉnh Vĩnh Long năm 2021 là 5,4%, một số yếu tố liên quan đến sơ sinh nhẹ cân như: cân nặng của bà mẹ trước khi mang thai; tăng cân trong thai kỳ; tuổi thai khi sinh; bổ sung viên sắt trong thai kỳ;kinh tế của bà mẹ. Kết quả này có thể đóng góp đề ra một số biện pháp can thiệp phù hợp như hướng dẫn chăm sóc tiền sản, dinh dưỡng hợp lý trong thai kỳ.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Chính phủ (2012), Quyết định số 226/QĐ-TTg, Phê duyệt chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội.
2. Keobouavanh Phongphaky, Đinh Thị Phương Hòa (2020), Mô tả thực trạng trẻ sinh nhẹ cân và một số yếu tố liên quan tại các Bệnh viện thuộc tỉnh Xiêng Khoảng, Cộng hòa nhân dân Lào trong năm 2020, Tạp chí nhi khoa-Hội Nhi khoa Việt Nam, tập 14, số 1 năm 2021.
3. Lâm Thị Kim Ngọc (2021), Nghiên cứu tình hình cân nặng trẻ sơ sinh và các yếu tố liên quan sơ sinh nhẹ cân tại thành phố Trà Vinh năm 2020, Luận văn bác sỹ chuyên khoa cấp II, Trường Đại học Y dược Cần Thơ.
4. Hoàng Khắc Thường (2021), Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, các yếu tố nguy cơ mẹ- con và kết quả điều trị sơ sinh nhẹ cân tại khoa sơ sinh bệnh viện phụ sản thành phố cần thơ năm 2019-2021, Luận văn bác sỹ nội trú, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
5. Tổng cục Thống kê và Unicef (2015), Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2014, Tổng cục Thống kê, Việt Nam.
6. Unicef Việt Nam (2016), Báo cáo phân tích tình hình trẻ em tỉnh Lào Cai, Unicef Việt Nam, tr. 32.
7. Unicef Việt Nam (2017), Phân tích tình hình trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh, Unicef Việt Nam, tr. 57.
8. Unicef Việt Nam (2019), 1 trên 7 trẻ em trên thế giới sinh ra bị nhẹ cân – Theo The Lancet Global Health, UNICEF và WHO, Thông cáo báo chí, ngày 17/5/2019.