NGHIÊN CỨU SỰ TUÂN THỦ ĐIỀU TRỊ ARV, YẾU TỐ LIÊN QUAN VÀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CAN THIỆP Ở BỆNH NHÂN HIV TẠI TỈNH BẾN TRE NĂM 2019 – 2020

Nguyễn Thị Huệ Tiên1,, Dương Phúc Lam2
1 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre
2 Trường Đại học Y Dược Cần Thơ

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Tuân thủ điều trị ARV là yếu tố vô cùng quan trọng, giúp người bệnh ngăn chặn được sự phát triển của virus HIV, hạn chế kháng thuốc và nâng cao sức khỏe người bệnh. Mục tiêu nghiên cứu: (1) Xác định tỷ lệ bệnh nhân HIV tuân thủ điều trị ARV, (2) Tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến không tuân thủ điều trị ARV ở bệnh nhân HIV và (3) Đánh giá kết quả can thiệp nhằm giảm hành vi không tuân thủ điều trị tại phòng khám ngoại trú, tỉnh Bến Tre năm 2019-2020. Đối tượng và phương pháp: Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang và nghiên cứu can thiệp cộng đồng có đánh giá trước sau trên 290 bệnh nhân HIV đang điều trị tại phòng khám ngoại trú tại tỉnh Bến Tre. Kết quả: Tỷ lệ bệnh nhân HIV tuân thủ điều trị ARV chung là 67,2%. Các yếu tố liên quan có ý nghĩa thống kê (p<0,05) đến không tuân thủ điều trị ARV ghi nhận trong nghiên cứu bao gồm: Nghề nghiệp (công nhân) (OR=4,76; KTC 95% 1,73 - 13,10), khoảng cách từ nhà đến phòng khám >30km (OR=2,81; KTC 95% 1,56 - 5,04), sử dụng chất gây nghiện (OR=2,56; KTC 95% 1,22 - 5,38), không được tư vấn trước điều trị (OR=2,56; KTC 95% 1,04 - 6,33). Sau can thiệp thực hành tuân thủ điều trị tăng từ 67,2% lên 80,3% (p<0,0001), trong đó tuân thủ tái khám và lãnh thuốc đúng hẹn tăng từ 78,3% lên 86,9%, (p<0,001). Kiến thức tuân thủ điều trị tăng từ 70,7% lên 84,5% (p<0,0001). Kết luận: Tỷ lệ bệnh nhân HIV tuân thủ điều trị ARV chung còn thấp chiếm 67,2%. Chương trình điều trị ARV cần chú trọng công tác tư vấn về TTĐT; đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ mở mới cơ sở điều trị HIV để thuận tiện cho bệnh nhân đi lại và giảm tải cho bệnh viện tỉnh.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Y tế (2017), Hướng dẫn Điều trị và Chăm sóc HIV/AIDS, ban hành theo quyết định số
5418/QĐ –BYT ngày 01 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Hà Nội.
2. Đào Đức Giang, Nguyễn Anh Tuấn, Bùi Đức Dương (2016), Thực trạng tuân thủ điều trị thuốc kháng retrovirus tại một số phòng khám ngoại trú ở Hà Nội và một số yếu tố có liên quan, Tạp chí Y Học Dự Phòng, số 9, tập 27, tr.11
3. Phan Thị Thu Hương (2016), Tuân thủ điều trị ARV và các yếu tố liên quan trên bệnh nhân AIDS đang được điều trị tại trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Hải Dương, năm 2016, Tạp chí Y học dự phòng, 27 (3), tr.194
4. Đoàn Thị Kim Phượng (2018), Nghiên cứu sự tuân thủ điều trị ARV, yếu tố liên quan và đánh giá kết quả can thiệp bằng truyền thông sau 1 năm ở người nhiễm HIV tại thành phố Cần Thơ năm 2017-2018, Luận văn Cao học Y tế Công cộng, Đại học Y Dược Cần Thơ.
5. Ngô Văn Tán, Trần Tấn Đạt, Nguyễn Trung Dũng (2011), Kiến thức, thực hành về tuân thủ điều trị ARV ở bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị tạo Phòng Khám ngoại trú bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre, Tạp chí Y học Thực hành, 814 (3/2012).
6. Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Bến Tre (2018), Báo cáo tổng kết công tác phòng, chống HIV/AIDS và phương hướng hoạt động năm 2019, Bến Tre.
7. Dương Minh Tân, Dương Phúc Lam (2019), Nghiên cứu sự tuân thủ, một số yếu tố liên quan đến không tuân thủ điều trị thuốc kháng vi rút ở bệnh nhân nhiễm HIV và kết qủa can thiệp tại Trung tâm y tế huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai năm 2018-2019, Tạp Chí Y Dược Học Cần Thơ, số 21(13).
8. Nguyễn Thị Xuyên (2017), Khảo sát tình hình sử dụng thuốc ARV và tuân thủ điều trị của bệnh nhân tại phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Giang, Luận văn Dược sĩ chuyên khoa cấp I, Trường Đại học Dược Hà Nội.
9. AIDS info (2018), Guidelines for the Use of Antiretroviral Agents in HIV-1-Infected Adults and Adolescents living with HIV.
10. Hue Thi Mai, Giang Minh Le, el al (2017), Adherence to antiretroviral therapy among HIV/AIDS patients in the context of early treatment initiation in Vietnam, Dove Press jonurnal: Patient Preference and Adherence, pp 2131 – 2137.