THỰC TRẠNG VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CỦA VIỆC DẠY-HỌC MỘT SỐ NỘI DUNG HỌC PHẦN BẰNG NGÔN NGỮ TIẾNG ANH TRONG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NĂM THỨ NHẤT NGÀNH Y KHOA TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC CẦN THƠ

Trần Trương Ngọc Bích, Nguyễn Tấn Đạt, Nguyễn Thị Tuyết Minh

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Cùng với việc xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến, năm học 2019-2020, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã tiến hành thử nghiệm việc dạy – học một số nội dung một số học phần bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả nhận định của sinh viên về thực trạng hiệu quả dạy và học một số nội dung một số học phần bằng tiếng Anh và đề xuất giải pháp
nâng cao chất lượng dạy – học bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 143 sinh viên, sinh viên ngành Y khoa năm thứ nhất (Khóa 44) có trình độ tiếng Anh tương đương B1 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam đang học chương trình có một số nội dung được giảng dạy bằng tiếng Anh. Kết quả: 79,3% sinh viên nhận định mô hình dạy – học bằng ngôn ngữ tiếng Anh làm tăng mức độ tương tác giữa người học và người học, người dạy và người học, cải thiện được khả năng nghe – nói và hình thành thói quen đọc, học các tài liệu bằng ngôn ngữ tiếng Anh. 88% sinh viên đồng ý rằng kết quả học tập sẽ không khác biệt đáng kể so với chỉ học toàn bộ bằng tiếng Việt, 84,2% sinh viên nhận định mô hình này hiệu quả và 81,7% đề nghị nên duy trì mô hình. Tuy nhiên, có 2 công tác chuẩn bị của giảng viên
cần được cải thiện vì tỷ lệ sinh viên đánh giá mức kém và rất kém khá cao là cung cấp tài liệu, slide bài giảng (47,5%), và từ vựng chuyên ngành trước buổi học (41,4%). Kết luận: Mô hình dạy – học một số học phần bằng ngôn ngữ tiếng Anh nên duy trì, nhân rộng ra cho nhiều đối tượng và để đạt hiệu quả cao, cả sinh viên, giảng viên cần phải phát huy tốt bước chuẩn bị dạy-học, tương tác trong buổi dạy – học.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020”.
2. Quyết định số 1505/QĐ-TTg ngày 15/10/2008 phê duyệt Đề án “Đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường đại học Việt Nam giai đoạn 2008-2015”.
3. Đinh Thị Hoa, Lê Hồng Phượng, Đinh Thành Công (2019), “Tự học và một số yêu cầu về tự học của sinh viên đáp ứng hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ”, Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 10/2019, tr.178-181.
4. Phạm Thị Nguyệt Nga (2016), “Phát triển đội ngũ giảng viên qua tác động của chương trình tiên tiến – kinh nghiệm từ Trường Đại học Thủy lợi”, Tạp chí giáo dục, số 390, tr.63-65.
5. Lê Thị Tuyết Ngọc, Trần Hương Giang (2017), “Cải thiện quá trình tự học kĩ năng nghe tiếng anh trình độ sơ cấp, trung cấp của sinh viên chương trình tiên tiến, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội”, Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 4/2017, tr.133-136.
6. Lê Trung Nghĩa (2015), “Dạy học trong kỷ nguyên số”, Tony Bates, Bộ Khoa học & Công nghệ.
7. Nguyễn Thị Lan Phương (2019), “Các yếu tố tác động và khung phân tích tình hình giáo dục và đào tạo địa phương”, Tạp chí giáo dục, Số đặc biệt tháng 10/2019, tr.313-319.