TÌNH HÌNH VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN ĐẾN NHIỄM VIRUS VIÊM GAN B, C Ở BỆNH NHÂN ĐẾN KHÁM TẠI PHÒNG KHÁM NỘI TIÊU HÓA GAN MẬT, BỆNH VIỆN ĐA KHOA THÀNH PHỐ CẦN THƠ NĂM 2016 – 2017

Trần Phước Thịnh1, Trần Tín Nghĩa1, Nguyễn Tấn Đạt1, Nguyễn Thị Hồng1, Phạm Thị Minh1, Trần Đỗ Hùng1
1 Trường Đại học Y Dược Cần Thơ

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Tại Cần Thơ trong những năm gần đây, vẫn chưa có nhiều nghiên cứu tìm hiểu rõ về tỉ lệ nhiễm HBV và HCV tại các cơ sở chuyên khoa gan mật, cũng như đánh giá một cách có hệ thống về các yếu tố liên quan với tình trạng nhiễm hai loài virus này. Mục tiêu nghiên cứu: (1) Xác định tỉ lệ nhiễm HBV, HCV và (2) Tìm hiểu các yếu tố nguy cơ có liên quan với tình trạng nhiễm HBV, HCV ở những bệnh nhân đến khám tại Phòng khám Nội tiêu hóa gan mật, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích trên 272 bệnh nhân tuổi từ 18 trở lên. Kết quả: Trong 121 đối tượng được xét nghiệm HBV, có 79,0% (96/121) đối tượng nhiễm HBV, ở 151 đối tượng được xét nghiệm HCV có 40,0% (60/151) nhiễm HCV. Nhóm bệnh nhân nhiễm HBV có mối liên quan với độ tuổi từ dưới 50 (OR=3,25 so với nhóm trên 50 tuổi, 95%CI=1,31-8,08); trình độ học vấn từ cấp 2 trở lên (OR=3,11 so với nhóm có trình độ dưới cấp 2, 95%CI=1,22-7,87). Nhóm bệnh nhân nhiễm HCV có mối liên quan với độ tuổi từ trên 50 (OR=2,70 so với nhóm từ dưới 50 tuổi, 95%CI=1,34-5,41); trình độ học vấn từ cấp 2 trở lên (OR=2,46, 95%CI=1,20-5,03); đã từng quan hệ tình dục (OR=4,83, 95%CI=1,02-45,38). Chưa tìm thấy mối liên hệ giữa một số yếu tố khác như giới tính, nơi sống, nghề nghiệp, tiền sử truyền máu, phẫu thuật, sử dụng chung dụng cụ, có người nhà nhiễm HBV, HCV trong cả 2 nhóm bệnh nhân. Kết luận: Tỉ lệ nhiễm HBV và HCV trong nhóm đối tượng nghiên cứu khá cao và có mối liên giữa nhiễm HBV và HCV với các yếu tố độ tuổi, trình độ học vấn từ cấp 2 trở lên.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Phương Thị Hà (2014), Xác định kiểu gen virus viêm gan C trong huyết thanh bệnh nhân viêm gan C bằng kỹ thuật sinh học phân tử RT-PCR, Luận văn thạc sĩ khoa học.
2. Châu Hữu Hầu (1995), Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ học nhiễm virus viêm gan trong cộng đồng dân cư huyện Tân Châu, tỉnh An Giang, Luận án Phó Tiến Sỹ Y học, Học viện Quân Y, Hà Nội.
3. Phạm Minh Khoa, Đặng Văn Chính (2014), Tỉ lệ nhiễm vi rút viêm gan B và các yếu tố liên quan ở người trên 18 tuổi tại Quận 12 Thành Phố Hồ Chí Minh năm 2013, tạp chí Y học Thành Phố Hồ Chí Minh, 18, tr. 616-621.
4. Phạm Văn Lình, Trần Thị Minh Diễm, Trần Đình Hậu, Ngô Viết Lộc (2006), Nghiên cứu tình hình nhiễm VRVGB tại tỉnh Thừa Thiên- Huế, Y học thực hành, 3(536), 82-85.
5. Ngô Viết Lộc (2011), Nghiên cứu tình hình nhiễm virus viêm gan B và đánh giá kết quả can thiệp cộng đồng tại một số xã, phường tỉnh Thừa Thiên – Huế, Luận Văn Tiến Sĩ Y Học, Trường Đại Học Y Dược Huế.
6. Ngô Thị Quỳnh Trang (2012), Xác định tỉ lệ nhiễm VRVGB (HbsAg) và VRVGC (anti HCV) trong huyết thanh người tại một xã vùng đồng bằng bắc bộ Việt Nam năm 2011, Luận văn thạc sĩ khoa học, Hà Nội.
7. Đỗ Quốc Tiệp (2013), Tình hình nhiễm và kiến thức, hành vi phòng chống nhiễm virus viêm gan B trên người đến xét nghiệm tại trung tâm Y tế dự phòng Quảng Bình năm 2013, Tạp chí y học dự phòng. XXVI(180), tr. 47-53
8. Nguyễn Thị Tuyết Vân, Phạm Hùng Vân, Nguyễn Thanh Bảo (2008), Tình hình nhiễm VRVGC trên người nghiện chích ma túy tại trại giam đăk trung, gia trung và trung tâm giáo dục xã hội của tây nguyên, Tạp chí y học Thành phố Hồ Chí Minh. 12.
9. Huỳnh Thị Kim Yến (2017), Nghiên cứu tình hình nhiễm, nguy cơ lây nhiễm VRVGB và C tại Thành Phố Cần Thơ.