ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT HỌC CÂY TRÂM SƠRI (EUGENIA UNIFLORA L.) - HỌ SIM (MYRTACEAE)

Dương Nguyên Xuân Lâm1,, Nguyễn Đỗ Lâm Điền1, Lý Hồng Hương Hạ2
1 Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh
2 Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Trâm sơri (Eugenia uniflora L.) là một loài du nhập vào Việt Nam. Lá dùng làm thuốc lợi tiểu ở Brazil và Surinam; quả dùng làm thuốc hạ huyết áp ở Giava. Đặc điểm hình thái và vi học là cơ sở để nhận diện loài Trâm sơri. Tuy nhiên chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu hình thái và chưa tài liệu nào nghiên cứu giải phẫu loài này ở Việt Nam. Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu đặc điểm hình thái và đặc điểm vi học cây Trâm sơri để góp phần nhận dạng đúng loài này. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Cây Trâm sơri tươi được thu thập tại thành phố Cần Thơ năm 2019. Mô tả, chụp hình các đặc điểm hình thái. Thân, phiến lá, cuống lá được cắt ngang thành lát mỏng, nhuộm vi phẫu với son phèn và lục iod, mô tả và chụp hình các đặc điểm giải phẫu; soi bột dược liệu. Kết quả: Hình thái: Thân gỗ. Lá đơn, mọc đối, không có lá kèm. Hoa đều, lưỡng tính, mẫu 4. Lá đài dính, đồng trưởng. Cánh hoa rời. Nhị rời, không đều. Lá noãn 2, bầu trên 2 ô. Quả mọng. Giải phẫu: Sợi trụ bì, vùng gân lá dày gấp 1,5-2 lần vùng thịt lá, hệ thống dẫn của gân lá xếp thành hình cung xung quanh có sợi, mô mềm giậu có 1 lớp tế bào; libe quanh tủy và tinh thể calci oxalat hiện diện trong giải phẫu của thân, lá và cuống lá. Bột lá: Biểu bì dưới có lỗ khí kiểu song bào, sợi, tinh thể calci oxalat. Bột quả: Sợi, tinh thể calci oxalat. Kết luận: Các đặc điểm hình thái và giải phẫu của Trâm sơri giúp nhận diện loài chính xác.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Hoàng Hộ (2000), Cây cỏ Việt Nam, Tập 2, Nhà Xuất Bản Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tr. 58.
2. Claudenice H. D., Tanise L. S., Elivane S. C., Rodrigo F. (2021), Variations in leaf size and leaf shape in four species of Eugenia (Myrtaceae) using geometric morphometrics approach. Pesquisas, Botanica, (75): 143-154.
3. Mohamed E. T. (2004), Morpho-anatomical Study on Certain Taxa of Myrtaceae. Asian Journal of Plant Sciences, 3(3): 274-285.
4. Nareman K. H., Al-Safa H. M., Karima A. H., Soad A. H. (2018), Foliar epidermal micromorphology and its taxonomic implication of some Myrtaceae Juss. Taxa. The Egyptian Society of Experimental Biology (Bot.), 14(2): 307-319.
5. Tamires R. F., Aurigena A. A., Luiz A. L. S., et al (2018), Crude extract and fractions from Eugenia uniflora Linn leaves showed anti-inflammatory, antioxidant, and antibacterial activities. BMC Complementary Medicine and Therapies, 18(1): 84.
6. Vizzotto M., Cabral L., Santos A. (2011), Pitanga (Eugenia uniflora L.), Postharvest Biology and Technology of Tropical and Subtropical Fruits: Mangosteen to White Sapote, (13): 272286.
7. The Plant List (2009), http://www.theplantlist.org/tpl1.1/record/kew-77153