ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG VÀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ TĂNG SINH LÀNH TÍNH TUYẾN TIỀN LIỆT TRÊN BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÝP 2 BẰNG PHƯƠNG PHÁP CẮT ĐỐT NỘI SOI TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG ƯƠNG CẦN THƠ VÀ BỆNH VIỆN TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC CẦN THƠ

Võ Hiếu Nghĩa1,, Lê Quang Trung1, Quách Võ Tấn Phát1, Đàm Văn Cương2
1 Trường Đại học Y Dược Cần Thơ
2 Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt là sự phát triển lành tính của tuyến tiền liệt làm cản trở dòng tiểu đi ra từ bàng quang. Những bệnh lý nội khoa nói chung, đái tháo đường nói riêng ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ biến chứng cũng như quá trình điều trị hậu phẫu của bệnh nhân. Mặt khác không ít Bác sĩ Niệu khoa chưa thật sự an tâm khi phẫu thuật trên bệnh nhân đái tháo đường. Xuất phát từ những thực tế khách quan đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này. Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và đánh giá kết quả điều trị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt bằng phương pháp cắt đốt nội soi qua đường niệu đạo ở người bệnh có kèm theo đái tháo đường týp 2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu, mô tả cắt ngang trên 30 bệnh nhân tăng sinh tuyến tiền liệt có mắc đái tháo đường týp 2, điều trị bằng phương pháp cắt đốt nội soi từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2024 tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Kết quả: Lý do vào viện thường gặp là tiểu khó 46,7% và bí tiểu cấp 46,7%. Có 86,7% trường hợp đang mắc bệnh đái tháo đường và 13,3% trường hợp bản thân vẫn không biết đang mắc bệnh. Đường huyết trung bình khi vào viện là 10,64±4,44 mmol/L, giá trị trung bình HbA1c khi vào viện là 7,98±0,73%. Sau phẫu thuật 3 tháng: Điểm IPSS trung bình là 12,77±4,26 và điểm QoL trung bình là 2,6±0,86. Biến chứng gồm 3,3% chảy máu, 10,0% bí tiểu sau rút thông niệu đạo. Kết quả điều trị tốt chiếm 86,7%, khá chiếm 13,3%. Kết luận: Cắt đốt nội soi tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt trên người đái tháo đường týp 2 đạt kết quả điều trị cao, triệu chứng lâm sàng và chất lượng cuộc sống cải thiện tốt khi kiểm soát tốt đường huyết trước, trong và sau phẫu thuật. 

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Hội Tiết niệu-thận học Việt Nam. Hướng dẫn xử trí tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội. 2019. 5-19.
2. Michel MC, Mehlburger L, Schumacher H, Bressel HU, Goepel M. Effect of diabetes on lower urinary tract symptoms in patients with benign prostatic hyperplasia. J Urology. 2000. 163(6), 1725-9, doi: 10.3389/fendo.2021.741748.
3. Guidelines ADA. Perform A1C Test: At least 2 times each year in patients who are meeting treatment goals and have stable glycemic control, Diabetes Care. 2013. 36, (suppl 1), 11‐ 66.
4. Phạm Đình Bắc. Đánh giá kết quả cắt đốt nội soi điều trị u phì đại lành tính tuyến tiền liệt đã có biến chứng bí đái cấp. Tạp chí Y học thực hành. 2010. 38- 40.
5. Nguyễn Lê Tuyên. Đánh giá kết quả cắt đốt nội soi ngả niệu đạo tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt trên bệnh nhân đái tháo đường týp 2. Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh. 2014. 4 (1), 67-76.
6. Danh Hào. Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và đánh giá kết quả điều trị tăng sinh tuyến tiền liệt bằng phương pháp cắt đốt nội soi trên bệnh nhân có bệnh mạn tính tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa Thành phố Cần Thơ, Luận văn chuyên khoa II, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. 2022.
7. Quách Võ Tấn Phát. Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, niệu dòng đồ và đánh giá kết quả điều trị bướu lành tiền liệt tuyến bằng phương pháp cắt đốt nội soi tại bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ năm 2017-2019, Luận văn Bác sĩ Nội trú, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ. 2019.
8. Jacobsen S. M. et al. Complicated catheter-associated urinary tract infections due to Escherichia coli and Proteus mirabilis. Clin Microbiol Rev. 2008. 21 (1), 26-59, doi: 10.1128/CMR.00019-07.
9. Soleimani M. et al. Long-term outcome of trans urethral prostatectomy in benign prostatic hyperplasia patients with and without diabetes mellitus. J Pak Med Assoc. 2010. 60 (2), 109112, PMID: 20209696.
10. Mubenga . et al. Comparison of prostate size and anthropometric parameters between diabetic and non-diabetic Congolese patients who underwent transurethral prostate resection in the Democratic Republic of Congo. Afr J Urol. 2019. https://doi.org/10.1186/s12301-019-0008-z.