KHẢ NĂNG TIÊN LƯỢNG NẶNG CỦA SIÊU ÂM Ở TRẺ SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE CÓ DẤU HIỆU CẢNH BÁO TẠI BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG CẦN THƠ
Nội dung chính của bài viết
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh do virus lây truyền trung gian qua muỗi, gây biến chứng nặng nề là sốc bởi hiện tượng thất thoát huyết tương. Tuy nhiên, phát hiện sớm và dự đoán được tình trạng thất thoát huyết tương nặng trên lâm sàng vẫn là một thách thức. Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và khảo sát một số yếu tố tiên lượng nặng trên siêu âm trong sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang có phân tích trên 70 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Kết quả: Tuổi trung bình 11,3 tuổi, nhóm chuyển sốc chiếm 42,9%, thừa cân/béo phì chiếm 25,7%. Triệu chứng lâm sàng chính: sốt (100%), đau bụng vùng gan (76,7%), da xung huyết/phát ban (68,6%), gan to>2cm (66,7%) và xuất huyết da niêm (55,7%). Đặc điểm cận lâm sàng: trung vị số lượng tiểu cầu là 37500/mm3 và bạch cầu là 4510/mm3, trung bình dung tích hồng cầu là 43,4%. Tỉ lệ các dấu hiệu siêu âm lần lượt là: tràn dịch màng phổi (27,1%), dịch túi Morrison (31,4%), dịch túi cùng Douglas (30%), dịch tự do ổ bụng (45,7%), dịch dưới bao gan (30%), gan to (67,1%) và dày thành túi mật (78,6%), trung bình bề dày thành túi mật là 7,3mm. Trong đó, tràn dịch tại vị trí có liên quan đến biến chứng sốc là khoang màng phổi (OR=3,4, KTC 95%=1,1-10,5, p=0,031), túi Morrison (OR=9,4, KTC 95%=2,8-30,9, p=<0,001), túi cùng Douglas (OR=8,7, KTC 95%=2,6-29,3, p=<0,001), dưới bao gan (OR=3,0, KTC 95%=1,1-8,8, p=0,04) và dịch tự do ổ bụng (OR=3,7, KTC 95%=1,4-10,3, p=0,01). Kết luận: Vai trò của một số hình ảnh siêu âm là đáng kể trong việc tiên lượng mức độ nặng ở trẻ sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo.
Chi tiết bài viết
Từ khóa
sốt xuất huyết Dengue, dấu hiệu cảnh báo, sốc, tiên lượng, siêu âm