Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và đánh giá kết quả điều trị bệnh nhân liệt Bell tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ năm 2020 – 2022

Vũ Yến Nhi 1,, Lương Thanh Điền 1
1 Trường Đại học Y Dược Cần Thơ

Nội dung chính của bài viết

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Nguyên nhân chính và hay gặp nhất của liệt dây thần kinh VII  ngoại biên là liệt Bell, có thể liên quan đến viêm dây thần kinh VII do sự tấn công của vi-rút. Mặc dù có bằng chứng về vai trò của nhiễm vi-rút, nhưng hiệu quả điều trị của các thuốc kháng vi-rút đối với liệt Bell vẫn chưa rõ ràng, dù đã có báo cáo rằng sự kết hợp của một thuốc kháng vi-rút và corticosteroids có hiệu quả hơn so với chỉ dùng corticosteroids đơn thuần. Mục tiêu nghiên cứu: Mô tả đặc điểm lâm sàng và đánh  giá kết quả điều trị bệnh nhân liệt Bell. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang 70 bệnh nhân được chẩn đoán liệt Bell tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ thỏa các tiêu chuẩn chọn mẫu và không có các tiêu chuẩn loại trừ. Đối tượng tham gia nghiên cứu được đánh giá đặc điểm lâm sàng và kết quả điều trị tại thời điểm nhập viện, sau 1 tuần và sau 4 tuần điều trị.
Kết quả: Lý do chính làm bệnh nhân nhập viện là méo miệng (71,4%). Triệu chứng lâm sàng thường gặp là bất thường nếp mũi má (100%), bất thường nếp nhăn trán (98,6%) và  dấu hiệu Charles Bell (88,6%). Sau 1 tuần điều trị: tỉ lệ hồi phục ở bệnh nhân sử dụng corticosteroids kết hợp acyclovir là 62,9% so với nhóm sử dụng corticosteroids đơn thuần là 54,3% (p=0,467). Sau 4 tuần điều trị: tỉ lệ hồi phục ở nhóm bệnh nhân sử dụng corticosteroids kết hợp acyclovir và nhóm sử dụng corticosteroids đơn thuần lần lượt là 91,4% và 80,0% (p=0,172). Kết luận: Triệu chứng lâm sàng nổi bật của bệnh nhân liệt Bell là bất thường nếp mũi má, bất thường nếp nhăn trán và dấu hiệu Charles Bell. Nhóm bệnh nhân sử dụng phương pháp điều trị phối hợp corticosteroid và acyclovir có tỷ lệ hồi phục cao hơn nhóm bệnh nhân chỉ sử dụng corticosteroid đơn thuần.

Chi tiết bài viết

Tài liệu tham khảo

1. Lê Văn Minh (2017), Giáo trình Sau đại học Thần Kinh học, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, tr.178-193.
2. Trương Thị Bé Sáu và cộng sự (2010), “Hiệu quả của điều trị liệt dây thần kinh VII ngoại biên bằng châm cứu tại khoa Y học cổ truyền – Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang”, Hội nghị khoa học kỹ thuật Đại học Y Dược TP. HCM lần thứ 27 – 14/05/2010, 14 (2), 58-61.
3. Lê Văn Minh, Vũ Duy Hòa, Phạm Kiều Anh Thơ (2020), “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và đánh giá kết quả điều trị của corticoid và thuốc kháng virus trên bệnh nhân liệt Bell tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Cần Thơ”, Tạp chí Y Dược học Cần Thơ, số 31/2020, 102-108.
4. Kang, H. M. (2014), “Steroid plus antiviral treatment for Bell’s palsy”, Journal of Internal Medicine, 277 (5), 532-539.
5. Lee HY, Byun JY, Park MS, Yeo SG (2013), “Steroid-antiviral treatment improves the recovery rate in patients with severe Bell’s palsy”, The American Journal of Medicine,126, 336-341.
6. Dhruvashree Somasundara, Frank Sullivan (2017), “Management of Bell’s palsy”, Australian Prescriber, 40(3), 94-97.
7. Ahmed A. (2005), “When is facial paralysis Bell palsy? Current diagnosis and treatment”, Cleveland Clinic Journal of Medicine, 72 (5), 398-405.
8. Insu Song (2013), “Profiling Bell’s palsy based on House-Brackmann Score”, Journal of
Artificial Intelligence and Soft Computing Research, 3(1), 41-50.